Tin tức

Bác Hồ với ngày Toàn quốc kháng chiến

 

Trong bối cảnh trên đất nước ta có nhiều quân nước ngoài chiếm đóng và mưu đồ xâm lược trở lại của thực dân Pháp, Bác Hồ và Đảng ta vừa kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc, vừa áp dụng nhiều sách lược mềm dẻo để vượt qua tình thế hiểm nghèo. Sách lược hòa hoãn, nhân nhượng với quân Tưởng đã làm thất bại âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ” của chúng để tập trung lực lượng chống Pháp. Sau đó, Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946 đã đẩy quân Tưởng về nước, hòa hoãn và nhân nhượng với thực dân Pháp để cố gắng duy trì hòa bình và có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến.

Nhưng thực dân Pháp xé bỏ Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946, lập chính phủ Nam kỳ tự trị, nhằm tách Nam bộ ra khỏi nước Việt Nam thống nhất; dùng quân sự đánh chiếm toàn Nam bộ và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Ngày 20-11-1946, quân Pháp chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, mở đầu kế hoạch lấn chiếm miền Bắc nước ta. Từ đầu tháng 12-1946 trở đi, tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn. Quân Pháp chiếm thêm Hải Dương, khiêu khích Hà Nội và nhiều nơi khác.

Trước sự lấn lướt của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi "Toàn quốc Kháng chiến". Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng chỉ huy quân đội và dân quân Việt Nam cũng ra mệnh lệnh toàn quốc kháng chiến.

 

 

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp yêu cầu tìm mọi cách cứu vãn hòa bình, tránh đổ máu. Người cũng gửi thư cho các nước Anh, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô và các nước thành viên Liên Hiệp Quốc nêu rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của mình. Nhưng mọi cố gắng đều vô hiệu, những nẻo đường hòa bình đều bị thực dân Pháp cắt đứt. Quân Pháp liên tục nổ súng vào nhiều nơi ở Hà Nội; đặc biệt gây ra cuộc tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và Yên Ninh.

Trong ngày 18-12-1946, thực dân Pháp gửi cho Chính phủ ta hai “tối hậu thư” thông báo: sẽ chiếm đóng Sở Tài chính và nhà viên Giám đốc Giao thông; phá hủy các công sự của ta; đảm nhiệm việc trị an Hà Nội chậm nhất sáng ngày 20-12-1946. Sáng sớm ngày 19-12-1946, Chính phủ ta lại nhận thêm “tối hậu thư” thứ ba của Pháp, trong đó quân Pháp đòi: tước vũ khí quân tự vệ Hà Nội; đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến; trao cho quân đội Pháp nhiệm vụ duy trì an ninh thành phố Hà Nội.

Tình thế nghiệt ngã đó buộc Bác Hồ, Đảng ta phải có lựa chọn đúng đắn, kịp thời. Ngày 18 và 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Hội nghị đã có quyết định lịch sử: phát động toàn quốc kháng chiến; mở đầu vào lúc 20 giờ đêm 19-12-1946 ngay tại thủ đô Hà Nội.

Trong ngày 19-12-1946, tại căn gác hai, ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương (làng Vạn Phúc, Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngay đêm đó, đúng 20 giờ, quân và dân thành phố Hà Nội đã nổ súng mở đầu toàn quốc kháng chiến. Đòn đánh phủ đầu này làm tiêu tan kế hoạch đảo chính, đánh úp của Pháp dự kiến diễn ra vào sáng 20-12-1946; đẩy địch vào thế bị động, đối phó; sau đó, giam chân chúng tại thành phố Hà Nội hai tháng để hậu phương chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài.

Sáng ngày 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam (đóng tại chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông) phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếng Người vang vọng:

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ với lời lẽ giản dị, đanh thép và nội dung ngắn gọn, súc tích là lời hịch cứu quốc, tiếng gọi của núi sông, huy động toàn dân đứng lên đánh giặc, là khởi nguồn và nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

http://www.baohaugiang.com.vn/detailvn.aspx?item=2

Bác Hồ, kỷ niệm, kháng chiến


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        13,975,080       2/467