“Song song với Hội nghị Nghiên cứu khoa học của giảng viên, Hội nghị Sáng kiến kinh nghiệm cũng là nơi không ngừng phát huy được tính sáng tạo của tập thể cán bộ giảng viên, nhân viên nhà trường. Là dịp để nhà trường tôn vinh những tấm gương thầy cô giáo tận tụy với nghề, miệt mài sáng tạo để việc dạy và học hiệu quả hơn. Đồng thời tôn vinh CB-NV có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động lao động của đơn vị...” (theo NGND.TS Đỗ Hữu Tài – Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng). Qua đó, Người đứng đầu Đại học Lạc Hồng cũng nhìn nhận ra rằng cũng như mọi đổi mới, sáng tạo luôn là yếu tố quyết định sự thành công. Đó cũng chính là lý do Trường Đại học Lạc Hồng cho ra đời Hội nghị Sáng kiến kinh nghiệm.
ThS. Lê Phú Đông: Nhiệt huyết + Tài năng = Sáng tạo
Trong 5 năm qua, Phong trào Sáng kiến kinh nghiệm tại Đại học Lạc Hồng đã cho ra đời không ít “sản phẩm” ứng dụng tích cực vào hoạt động lao động, giảng dạy của nhà trường. Trong đó, có những tấm gương tiêu biểu như ThS. Lê Phú Đông – Giảng viên Khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường, liên tục nhiều năm liền cho ra đời các sáng kiến mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý cũng như giảng dạy.
Với mục đích đưa đến cho các sinh viên thực hành những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chuyên ngành xử lý nước cấp và nước thải. Qua những phương pháp mới, đa dạng mà thiết thực, hiệu quả áp dụng trên những vật liệu, dụng cụ có sẵn tại phòng thí nghiệm. Đồng thời có thể giảm bớt thời gian, chi phí mua sắm mô hình, trang thiết bị của nhà trường. Trong những năm qua, bằng những kinh nghiệm thực tế của mình, ThS. Lê Phú Đông đã linh động tìm hiểu, mày mò để sáng chế ra các mô hình thực tiễn để các bạn sinh viên linh động hơn trong việc thực hành môn học.
ThS. Lê Phú Đông tại Hội nghị "Sáng kiến Kinh nghiệm" năm 2014
Hệ thống hoàn lưu nước cất – kiến thức cho người học, tiết kiệm cho nhà trường
Năm 2011 ThS. Lê Phú Đông đã thiết kế và chế tạo hệ thống hoàn lưu nước cất tại Phòng thí nghiệm Ngành Công nghệ Sinh học – Môi trường. Hệ thống này không những đã giúp các bạn sinh viên nắm rõ hơn về nguyên tắc tạo nước cất ứng dụng cho các môn học thí nghiệm. Đồng thời còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí của Nhà trường trong việc mua và dùng nước máy để tạo ra nước cất. Uớc tính với nhu cầu sử dụng nước cất hàng năm của phòng thí nghiệm, hệ thống hoàn lưu máy cất nước đã tiết kiệm được khoảng 520 m3 nước máy cho việc tạo nước cất. Và hệ thống hoàn lưu nước cất này đã đạt được giải Khuyến khích trong Hội nghị Sáng kiến kinh nghiệm năm học 2011 – 2012 do Nhà trường tổ chức.
Hệ thống hoàn lưu máy cất nước
Biến phế liệu thành mô hình thí nghiệm cho sinh viên
Trong năm 2012 ThS. Lê Phú Đông đã thiết kế và chế tạo mô hình thí nghiệm hấp phụ bằng những vật dụng “rẻ tiền, hư hỏng, sẵn có” tại phòng thí nghiệm, với mô hình này đã giúp các bạn sinh viên thực hành được hai bài thí nghiệm xử lý nước cấp, nước thải. Đây cũng là mô hình giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho Nhà trường. Với mô hình này tác giả đã đạt được giải Nhì trong Hội nghị Sáng kiến kinh nghiệm năm học 2012 – 2013.
Mô hình thí nghiệm hấp phụ
Sản phẩm "made in Giảng viên Lạc Hồng” tương đương hàng nhập khẩu...
Và gần đây trong năm 2014 ThS. Lê Phú Đông cùng với ThS. Trần Văn Thành đã thiết kế và chế tạo mô hình Jartest cải tiến để sử dụng trong môn học thí nghiệm xử lý nước cấp, nước thải. Đây là thí nghiệm rất quan trọng mà hầu hết trong các phòng thí nghiệm của các đơn vị xử lý nước cấp, nước thải đều sử dụng để xác định sơ bộ các thông số cần thiết cho cả một quá trình xử lý tiếp theo. Đó là thí nghiệm ban đầu để đánh giá chất lượng của nước sông, nước thải trước và sau khi xử lý. Ngoài ra nó còn giúp cho đơn vị xác định được tính khả thi về mặt kinh tế của phương pháp xử lý. Vì nếu liều lượng hóa chất sử dụng quá ít hoặc quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước cũng như giá thành xử lý.
Được biết, hiện nay hầu hết mô hình Jartest có trên thị trường đều là hàng nhập khẩu từ các thương hiệu Velp – Ý hoặc Ovan – Tây Ban Nha với giá dao động từ 1.700 – 2.195 Euro. Tuy nhiên với mô hình Jartest cải tiến nhóm tác giả đã chế tạo được chỉ có giá bằng 1/3 so với các mô hình trên thị trường nhưng lại có đầy đủ tính năng và công dụng.
Sinh viên học thực hành trên mô hình Jartest chế tạo
Với sáng kiến thiết kế và chế tạo mô hình Jartest, ThS. Lê Phú Đông đã đưa vào ứng dụng để thực hành môn học xử lý nước thải năm học 2013 – 2014. Qua đó đã đáp ứng đầy đủ mục đích của môn học. Đồng thời đem lại hiệu quả công việc cao cho giảng viên và sinh viên. Cũng với sản phẩm này nhóm tác giả đã đạt được giải Nhì trong Hội nghị Sáng kiến kinh nghiệm năm học 2013 – 2014.
ThS. Lê Phú Đông bên mô hình Jartest chế tạo
Với sáng kiến và những sản phẩm của mình, ThS. Lê Phú Đông là một trong những giảng viên trẻ đã nêu cao được ý nghĩa và tinh thần nghiên cứu sáng tạo của các phong trào Sáng kiến kinh nghiệm, Nghiên cứu Khoa học tại Đại học Lạc Hồng. Bên cạnh, việc cho ra đời những sản phẩm “made in Lạc Hồng”, giúp tiết kiệm tối đa chi phi đầu tư trang thiết bị giảng dạy và học tập. Kết hợp với điều đó, Th.S Lê Phú Đông đã vận dụng khéo léo các sáng tạo của của mình vào việc “đổi mới phương pháp giảng dạy” tạo thêm sự phấn khởi, lôi cuốn cho sinh viên trong giờ thực hành. Mục tiêu của thầy, còn mong muốn, hướng dẫn các em cùng sáng chế ra các mô hình. Qua đó giúp sinh viên tường tận vá hứng thú với môn học của mình. Đồng thời cũng tạo được những sản phẩm khẳng định được giá trị thương hiệu của trường Đại học Lạc Hồng. ThS. Lê Phú Đông và còn nhiều giảng viên trẻ, cán bộ trẻ của Đại học Lạc Hồng đã có muôn vàn cách để sáng tạo… như thế.
sáng tạo, giảng viên, nghiên cứu